Tết Xưa – Tết Nay

Tết là thời điểm giao hòa của đất trời, là thời khắc thiêng liêng của mỗi người để nhớ về nguồn cội. Tết còn là cơ hội để xum họp gia đình, chia sẻ buồn vui qua những tháng ngày tất bật với công việc, với cuộc sống. Dù vũ trụ xoay vần, thời thế đã đổi thay nhưng mong rằng Tết luôn là phong tục đẹp, không bị ngoại lai mà đề cao tính truyền thống của dân tộc.

009
0998-2
900

Người trong Nam, kẻ ngoài Bắc, vì mưu sinh mà đành rời quê hương để tìm kiếm cơ may cho cuộc đời. Năm hết Tết đến cùng là lúc chúng ta hành hương về nơi chôn nhau cắt rốn: Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi – Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam – Dù đi đâu ai cũng nhớ  – Về chung vui bên gia đình.

Mỹ tục

Việc ông cha ta xác định Tết Nguyên Đán đúng vào thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, là một chu kỳ vận hành vũ trụ, đã phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên. Nguyên có nghĩa Bắt đầu, Đán có nghĩa Ban mai. Nguyên Đán chính là sự khởi đầu của mùa Xuân mới.

Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất của nước ta. Từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau và cả vùng hải đảo xa xôi đều tưng bừng, nhộn nhịp cử hành lễ một cách trang trọng. Tết Nguyên Đán cũng là khởi đầu trong hệ thống lễ hội Việt Nam. Sau tết Nguyên Đán, 3 tháng đầu tiên cũng được xem là thời gian nghỉ ngơi của người Việt. Bởi vậy dân gian mới “cao hứng”: Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng 2 cờ bạc, tháng 3 hội hè.

Theo quan niệm của người Việt Nam, một năm kết thúc từ lễ đưa ông Táo chầu trời và bắt đầu Tết từ đêm giao thừa. Đây là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, thời điểm giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, thời điểm con người giao hòa với thiên nhiên, Tổ tiên trở về sum họp với con cháu. Giao thừa xong cả nhà quây quần quanh mâm cỗ đã chuẩn bị sẵn, uống chén rượu đầu tiên của năm mới, con cái chúc thọ ông bà cha mẹ, người lớn cho trẻ em tiền quà mừng tuổi đựng trong những bao giấy đỏ. Sáng mồng Một Tết, còn gọi là ngày Chính đán, người Việt thường tổ chức đông đủ con cháu tụ họp ở nhà trưởng họ để cúng tổ tiên và chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Sau đó, mọi người tỏa đi chúc Tết anh em, bạn bè và hàng xóm láng giềng…

Tục xông đất, khai lộc mừng Xuân, xin chữ… cứ như thế, những ngày Xuân trôi qua trong không khí vui tươi, đầm ấm, đầy ắp tiếng cười với hy vọng năm mới phải hơn năm cũ.

Tết nay

Về cơ bản, Tết của thời đại ngày nay không đổi thay gì mấy, vẫn giữ những nếp cổ truyền của dân tộc. Tuy vậy, văn hóa ngoại lai dần chiếm lĩnh ý thức của mỗi người khiến cho các mỹ tục ban đầu dần bị bóp méo. Cứ đến hẹn lại lên, 23 tháng Chạp hằng năm, đầu sông – thượng nguồn thả cá chép về Trời thì y như rằng cuối sông – hạ nguồn cũng có kẻ bắt cá để bán lại. Xưa, dân mình sợ những điều linh thiêng, phạm thượng thì nay, có lẽ vì cuộc sống, vì đồng tiền mà nỗi sợ ấy cũng phai mờ theo năm tháng.

Trải qua bao biến thiên của thời đại, quan niệm về Tết thay đổi cả về mặt khái niệm lẫn hành vi. Bây giờ người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Thay vì đoàn tụ gia đình, chia sẻ những câu chuyện buồn vui với bà con thân hữu, hàng xóm láng giềng thì thay vào đó là chuyến du lịch tận trời Âu nào đó. Như vậy, còn đâu cái ngày hội, cái cội nguồn của dân tộc.

Rồi chưa kể đến mâm ngũ quả trình gia tiên. Nào là “cầu vừa đủ sài”, “cầu vừa đủ sung”… cứ bát nháo cả lên. Họ cứ nghĩ làm sao cho đẹp, cho đủ mà quên mất ý nghĩa thật sự là nhớ ơn tổ tiên và cầu bình an cho gia đình. Thậm chí trên bàn gia tiên còn kèm theo chai rượu vang, rượu Tây để cho sang với thiên hạ…

Với một hệ thống lễ nghi vô cùng phong phú và giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tết Nguyên Đán ngày nay đã không còn ý thức hệ dân tộc. Quà Tết bây giờ cũng khác. Trước đây, mọi người có thể chúc Tết nhau bằng câu đối đỏ, cặp bánh chưng, bánh giò với tấm lòng trân trọng. Bây giờ người ta có thể tặng nhau những món quà có giá trị rất lớn nhưng bù lại phải đạt được mục đích gì đó. Vì thế, tình cảm hầu như không có mà xen vào đó là lợi ích cá nhân, lợi ích kinh tế.

Chúng ta không phủ nhận lợi ích của việc giao lưu văn hóa, hội nhập văn hóa. Tuy nhiên, những gì tốt đẹp chúng ta cần tiếp thu nhưng những gì lai căng, ngoại bang cần cương quyết loại bỏ. Thiết nghĩ, có như vậy, Tết cổ truyền của dân tộc vừa mang những nét tinh túy của thời đại mới, xong cũng gìn giữ những giá trị thẩm mỹ có từ ngàn đời của ông cha ta.

Nhóm Truyền thông Topstar